I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30 - 50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới. Bệnh gây ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin, với các đợt viêm khớp cấp tính.
Trong y học cổ truyền bệnh gout được mô tả đầu tiên trong sách “Đan Khê tâm pháp” với tên gọi là chứng Thống phong, ngoài ra còn gọi là “Lịch tiết phong”, “Bạch hổ phong”, “Bạch hổ lịch tiết”. II. CHẨN ĐOÁN YHHĐ 1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Bệnh nhân có xuất hiện bệnh sau khi có một bữa ăn có nhiều thịt không, sau một chấn thương hay phẫu thuật không, sau lao động nặng, đi lại nhiều, đi giày chật không, sau khi bị căng thẳng tâm lý mạnh không, sau khi dùng thuốc không.
1.2. Khám và lượng giá chức năng
- Gút cấp tính
+ Đau cấp tính ở khớp bàn ngón chân cái một bên, thường xuất hiện vào ban đêm làm bệnh nhân thức giấc. Khớp bàn ngón chân cái sưng to, căng bóng, nóng đỏ, xung huyết, đau dữ dội ngày càng tăng, không thể chịu nổi, chỉ một va chạm nhẹ cũng làm đau tăng lên. Trong khi các khớp khác vẫn bình thường.
+ Toàn thân: có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, lo lắng, mắt nổi tia đỏ, khát nước, đái ít và đỏ, táo bón.
+ Đợt viêm kéo dài 1-2 tuần (trung bình 5 ngày), đêm đau nhiều hơn ngày, viêm nhẹ dần, đau giảm, bớt phù, hơi ướt, ngứa nhẹ rồi bong vảy và khỏi hẳn không để lại dấu vết gì ở ngón chân. Bệnh có thể tái phát nhiều lần trong một năm.
- Gút mãn tính
+ Tại khớp
Nổi u cục (hạt tophi): là hiện tượng lắng đọng urat ở xung quanh khớp, ở màng hoạt dịch, đầu xương, sụn…Vị trí thường thấy ở trên các khớp bàn, ngón chân cái, các ngón chân khác, cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay và đốt ngón gần, có một vị trí rất đặc biệt là trên sụn vành tai. Không bao giờ có ở khớp háng, vai và cột sống.
Viêm đa khớp: Các khớp nhỏ, khớp nhỡ, bị viêm bàn ngón chân và tay, đốt ngón gần, cổ tay, gối, khuỷu, viêm thường nhẹ không đau nhiều và có tính chất đối xứng, diễn biến chậm. Các khớp háng, vai, cột sống không bị tổn thương.
+ Biểu hiện ngoài khớp
Thận: Lắng đọng rải rác ở nhu mô thận, sỏi đường tiết niệu.
Gân, túi thanh dịch: Có thể gây đứt gân hoặc chèn ép thần kinh
Tim: Urat có thể lắng đọng ở màng ngoài tim, cơ tim, có khi cả van tim.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm
+ Acid uric máu tăng trên 7mg% (> 420 µmol/l): 40% bệnh nhân có cơn gut cấp nhưng Acid uric máu bình thường.
+ Acid uric niệu/24h bình thường từ 400-450 mg, tăng nhiều trong gút nguyên phát, giảm rõ trong gút thứ phát sau bệnh thận.
+ Tốc độ máu lắng trong đợt tiến triển tăng, các xét nghiệm khác bình thường.
- Dịch khớp
Dịch khớp có biểu hiện viêm rõ rệt (lượng muxin giảm, bạch cầu tăng nhiều). Đặc biệt thấy những tinh thể urat monosodic nằm trong hoặc ngoài tế bào.
- X quang
Dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh là khuyết xương hình hốc ở các đầu xương: hay gặp ở xương, đốt ngón chân, ngón tay, xương bàn tay, bàn chân, đôi khi ở cổ tay, cổ chân, khuỷu và gối. 2. Chẩn đoán xác định:
2.1. Tiêu chuẩn của Bennet và Wood (1968) Độ nhạy 70%, độ đặc hiệu 82,7%
- Hoặc tìm thấy tinh thể natri urat trong dịch khớp hay trong các hạt tophi.
- Hoặc tối thiểu có trên 2 trong các yếu tố sau đây:
+ Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu 2 đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
+ Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên.
+ Có hạt tophi.
+ Đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.
Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn thứ nhất hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn thứ hai.
2.2. Theo tiêu chuẩn của ILAR và Omeract năm 2000: độ nhạy 70%, đặc hiệu 78,8%
- Có tinh thể urat đặc trưng trong dịch khớp, và/hoặc:
- Hạt tophi được chứng minh có chứa tinh thể urat bằng phương pháp hóa học hoặc kính hiển vi phân cực, và/ hoặc:
- Có 6 trong số 12 biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và xquang sau:
+ Viêm tiến triển tối đa trong vòng 1 ngày.
+ Có hơn 1 cơn viêm khớp cấp.
+ Viêm khớp ở 1 khớp.
+ Đỏ vùng khớp.
+ Sưng, đau khớp bàn ngón chân I.
+ Viêm khớp bàn ngón chân I ở một bên.
+ Viêm khớp cổ chân 1 bên.
+ Tôphi nhìn thấy được.
+ Tăng acid uric máu (nam ≥ 420µmol/l, nữ ≥ 360 µmol/l).
+ Sưng đau khớp không đối xứng.
+ Nang dưới vỏ xương, không có hình khuyết xương trên XQ.
+ Cấy vi khuẩn âm tính. 3. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm khớp do lắng đọng các tinh thể khác (pyrophosphate calci dihydrat) hay bệnh giả gút.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp phản ứng
- Bệnh lý khác: viêm mô tế bào, bệnh mạch máu ngoại biên… 4. Chẩn đoán nguyên nhân
- Nguyên nhân nguyên phát: Chưa rõ nguyên nhân nhưng trong chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm được coi là làm nặng thêm bệnh. Gặp 95% ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30- 60 tuổi.
- Nguyên nhân thứ phát
Có thể do tăng sản xuất acid uric, giảm đào thải acid uric hoặc cả hai, cụ thể:
+ Suy thận nói riêng và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận nói chung.
+ Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp.
+ Dùng thuốc lợi tiểu như furosemid, thiazide, acetazolamide…
+ Sử dụng các loại thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh ác tính như cyclosporine, thuốc chống lao (ethambutol)…
Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều rượu. III. ĐIỀU TRỊ YHHĐ VÀ PHCN
1. Nguyên tắc điều trị
- Chống viêm, giảm đau
- Duy trì tầm vận động của khớp 2. Điều trị bằng thuốc
Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:
- Thuốc chống viêm:
+ Colchicin: Theo quan điểm mới không nên dùng Colchicin liều cao cho người bệnh vì có tác dụng không mông muốn, nên dùng liều 1mg/ ngày, dùng càng sớm càng tốt, phối hợp với một thuốc nhóm NSAIDs.
+ Nếu có chống chỉ định với NSAIDs: dùng colchicin với liều 1mg x 3 lần trong ngày đầu tiên, 1mg x 2 lần trong ngày thứ 2, 1mg từ ngày thứ 3 trở đi.
+ Test colchicine: 2 ngày đầu 1mg x 3 lần, triệu chứng tại khớp sẽ giảm nhanh. Tuy nhiên sau 48h thường có tiêu chảy, cần kết hợp với 1 số thuốc như Loperamid 2mg ngày 02 viên, chia 2 lần.
+ Dự phòng tái phát: 0,5 mg-1,2 mg uống 1-2 lần/ngày, trung bình 1mg/ngày kéo dài ít nhất 6 tháng. Chú ý giảm liều ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, người cao tuổi > 70 tuổi. Trường hợp không sử dụng được colchicin có thể dự phòng bằng NSAIDs liều thấp.
- NSAIDs: Indometacin, Naproxen, Ibuprofen, ketoprofen, Piroxicam, Diclofenac, các nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (meloxicam, celecoxib, etoricoxib…). Lưu ý chống chỉ định trên các bệnh nhân Viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận…Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với Cochicil. Không phối hợp 2 thuốc cùng nhóm.
- Thuốc giảm đau: Chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.
- Thuốc giảm acid uric máu:
+ Nhóm thuốc ức chế tổng hợp acid uric: Allopurinol liều lượng tùy nồng độ acid uric máu. Không chỉ định trong cơn gut cấp.
+ Nhóm thuốc tăng thải acid uric: Probenecid, sunfinpyrazol…
- Cắt hạt tophi khi hạt bị vỡ, dò dịch hoặc ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của khớp. 3. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
3.1. Giai đoạn cấp
- Tương tự như điều trị giai đoạn cấp của bệnh viêm đa khớp dạng thấp
- Nhiệt lạnh trị liệu
- Điện phân trị liệu
- Siêu âm trị liệu
- Bất động khớp ở tư thế chức năng
3.2. Giai đoạn mãn
Vận động khớp nhẹ nhàng 4. Các điều trị khác
- Chế độ ăn uống ăn giảm đạm (không quá 150g thịt/ngày), không ăn phủ tạng động vật, hạn chế thịt chó, dê, hải sản… tránh các thức ăn chứa nhiều nhân purin, giảm mỡ. Ăn nhiều rau xanh, kiêng bia, rượu. IV. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ THEO YHCT
1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Thống phong là do phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào kinh mạch; kèm theo công năng thăng thanh giáng trọc của tạng thận và tỳ bị rối loạn làm cho trọc độc bị ứ ở trong; cùng với chế độ ăn nhiều đạm, uống nhiều rượu làm thấp nhiệt dễ phát sinh.
Thấp nhiệt tà xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn. Bắt đầu bệnh còn ở cơ biểu kinh lạc, bệnh lâu, tà khí phạm vào gân xương, tổn thương tạng phủ, chức năng của khí huyết tân dịch rối loạn, tân dịch ứ trệ thành đàm, khí huyết ngưng trệ thành ứ, đàm ứ kết mà hình thành các u cục ứ đọng quanh khớp, dưới da. Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn thương can thận, làm biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần. 2. Các thể lâm sàng YHCT
Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.
Gout cấp tính thuộc thể phong thấp nhiệt và dùng pháp thanh nhiệt thông lạc, khu phong trừ thấp. Giai đoạn mạn tính thường có đàm trọc và ứ huyết khi đó dùng thêm hóa đàm tiết trọc, trục ứ thông lạc. Đồng thời căn cứ vào tình hình hư suy của âm dương khí huyết để bổ khí huyết, bổ tỳ thận.
2.1. Thể phong thấp nhiệt
* Triệu chứng: Sưng, nóng, đỏ, đau một hoặc nhiều khớp (đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái), đau cự án, khởi phát thường cấp tính. Thường kèm theo phát sốt, sợ gió, miệng khô khát, phiền táo bứt rứt không yên, tiểu vàng số lượng ít, lưỡi đỏ rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, thực nhiệt.
- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.
* Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng chỉ thống.
* Phương
• Điều trị bằng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: Tuyên tý thang hợp Tam diệu thang
Thương truật 08g Hoàng bá 15g
Ngưu tất 15g Tỳ giải 12g
Hoạt thạch 30g Ý dĩ 20g
Hạnh nhân 12g Hy thiêm thảo 15g
Xích tiểu đậu 15g Liên kiều 12g
Chi tử 12g
+ Hoặc Bạch hổ quế chi thang:
Sinh thạch cao 30g Ngạnh mễ 10g
Tri mẫu 10g Cam thảo 06g
Quế chi 06g
+ Hoặc Tứ diệu thang:
Thương truật 08g Ngưu tất 12g
Hoàng bá 10g Sinh ý dĩ 18g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
+ Thuốc dùng ngoài:
- Cao Kim hoàng tán (Ngoại khoa chính tông):
Đại hoàng 2,5kg Hoàng bá 2,5kg
Khương hoàng 2,5kg Bạch chỉ 2,5kg
Nam tinh 1kg Trần bì 1kg
Thương truật 1kg Hậu phác 1kg
Cam thảo 1kg Thiên hoa phấn 5kg
Tất cả nghiền bột trộn với Vaselin thành cao, đắp vùng khớp sưng đau 1-2 lần/ngày, 7 ngày/liệu trình.
- Hoặc dùng bài:
Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g
Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g
Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g
Hành tươi cả rễ 3 củ
Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).
- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
• Điều trị không dùng thuốc
- Châm tả các huyệt:
Tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt
+ Đau vùng vai: Kiên ngung (LI.15); Kiên trinh (GB.9); Kiên tỉnh (GB.21); Tý nhu (LI.14); A thị huyệt.
+ Đau khớp khuỷu tay: Hợp cốc (LI.4); Thủ tam lý (LI.10); Khúc trì (LI.11); Xích trạch (LU.5)’ A thị huyệt
+ Đau khớp cổ tay: Dương trì (TE.4); Ngoại quan (TE.5); Hợp cốc (LI.4); A thị huyệt
+ Đau khớp gối: Tất nhãn; Khúc tuyền (LR.8); Dương lăng tuyền (GB.34); A thị huyệt
+ Đau khớp cổ chân: Trung phong (LR.4); Côn lôn (BL.60); Giải khê (ST.41); Cự hư (ST.37); Uỷ trung (BL.40); Tuyệt cốt (GB.39); A thị huyệt.
+ Đau khớp bàn ngón chân cái: Thái xung (LR.3); Thái bạch (SP.3); A thị huyệt
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Kỹ thuật châm: Điện châm.
- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:
+ Đau vùng vai: Kiên ngung (LI.15); Kiên trinh (GB.9); Tý nhu (LI.14)
+ Đau khớp khuỷu tay: Hợp cốc (LI.4); Thủ tam lý (LI.10); Khúc trì (LI.11)
+ Đau khớp cổ tay: Dương trì (TE.4); Ngoại quan (TE.5); Hợp cốc (LI.4)
+ Đau khớp gối: Tất nhãn; Khúc tuyền (LR.8); Dương lăng tuyền (GB.34)
+ Đau khớp cổ chân: Trung phong (LR.4); Côn lôn (BL.60); Cự hư (ST.37)
+ Đau khớp bàn ngón chân cái: Thái xung (LR.3) Thái bạch (SP.3)
Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.
- Xoa bóp bấm huyệt: Xát, xoa, day, vê, bóp, bấm các huyệt vùng khớp bị viêm. Vận động khớp nhẹ nhàng.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
2.2. Thể phong hàn thấp
* Triệu chứng: Sưng nề, hạn chế vận động khớp, có thể có hạt lắng đọng cạnh khớp. Nếu phong tà thiên thịnh sẽ thấy đau khớp có tính chất lưu chuyển hoặc sợ gió phát sốt... Hàn tà thiên thịnh biểu hiện đau dữ dội các khớp, vị trí đau cố định, gặp lạnh đau tăng, chườm nóng dễ chịu. Thấp tà thiên thịnh sẽ có cảm giác đau bứt rứt nặng nề tại các khớp, vị trí đau thường cố định, cảm giác tê bì khó chịu trong cơ và ngoài da. Rêu lưỡi mỏng trắng hoặc trắng nhớt. Mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, hàn.
- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tỳ vị.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.
* Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông lạc chỉ thống.
* Phương:
• Điều trị dùng thuốc
+ Thuốc uống trong:
Cổ phương: Ý dĩ nhân thang
Ma hoàng 06g Đương qui 15g
Bạch truật 15g Ý dĩ nhân 30g
Quế chi 10g Bạch thược 15g
Cam thảo 06g
- Nếu hàn tà thắng dùng bài Ô đầu thang:
Phụ tử chế 05g Ma hoàng 06g
Bạch thược 15g Hoàng kỳ 15g
Cam thảo 05g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
+ Thuốc dùng ngoài:
- Dùng bài:
Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g
Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g
Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g
Hành tươi cả râu 3 củ
Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).
- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
• Điều trị không dùng thuốc:
- Kết hợp châm và cứu, điện châm, ôn châm, cấy chỉ tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt theo công thức giống thể Phong thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt giống thể Phong thấp nhiệt.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
2.3. Thể đàm ứ trở trệ
* Triệu chứng: Các khớp sưng, nặng thì xung quanh khớp cũng sưng, tái đi tái lại nhiều lần, dai dẳng không dứt, đau nhức nhẹ, có các hạt cứng cạnh khớp, sắc da tím, chất lưỡi bệu, rêu trắng bẩn. Mạch huyền hoạt.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực.
- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tỳ vị.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.
* Pháp điều trị: Hoạt huyết hoá ứ, hoá đàm tán kết.
* Phương
• Điều trị dùng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: Đào nhân ẩm hợp Nhị trần thang
Đào nhân 10g Hồng hoa 10g
Đương qui 15g Xuyên khung 10g
Phục linh 10g Trần bì 08g
Cam thảo 06g Uy linh tiên 10g
Bán hạ chế 08g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
+ Thuốc dùng ngoài:
Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g
Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g
Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g
Hành tươi cả râu 3 củ
Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).
- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
• Điều trị không dùng thuốc
- Kết hợp châm, điện châm, cấy chỉ tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt theo công thức giống thể Phong thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt giống thể Phong thấp nhiệt.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
2.4. Thể can thận lưỡng hư
* Triệu chứng: Đau khớp tái đi tái lại, dai dẳng không dứt, lúc nặng lúc nhẹ hoặc cảm giác đau nhức âm ỉ di chuyển giữa các khớp. Sưng nề, hạn chế vận động khớp, thậm chí biến dạng khớp. Kèm theo đau lưng mỏi gối, người mệt mỏi, đau đầu hoa mắt chóng mặt, tâm quý khí đoản, chất lưỡi nhợt rêu trắng. Mạch huyền trầm tế vô lực.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư.
- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tạng Can Thận.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân phối hợp Bất nội ngoại nhân (nội thương).
* Pháp điều trị: Bổ can thận, trừ phong thấp, hoạt lạc chỉ thống.
* Phương:
• Điều trị dùng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang
Đảng sâm 10g Phục linh 15g
Đương qui 10g Bạch thược 15g
Thục địa 15g Xuyên khung 10g
Đỗ trọng 15g Ngưu tất 15g
Quế chi 06g Tế tân 04g
Độc hoạt 10g Tang ký sinh 30g
Phòng phong 10g Tần giao 10g
Cam thảo 06g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
+ Thuốc dùng ngoài:
Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g
Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g
Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g
Hành tươi cả râu 3 củ
Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).
- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
• Điều trị không dùng thuốc
- Châm:
+ Tại chỗ: Tùy theo vị trí đau châm tả các huyệt giống thể phong thấp nhiệt.
+ Toàn thân: Châm bổ Can du (BL.18); Thận du (BL.23); Thái xung (LI.3) ; Thái khê (KI.3). Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Kỹ thuật châm: Điện châm.
- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể phong thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt giống thể phong thấp nhiệt.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh. V. PHÒNG BỆNH
- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Không uống rượu, bia, cà phê, trà. Sử dụng nước khoáng không ga, có độ kiềm cao. Duy trì cân nặng hợp lí, tránh để tăng cân béo phì.
- Phát hiện cơn gout cấp sớm để dùng thuốc và thực hiện điều chỉnh lối sống kịp thời tránh trở thành gout mạn và biến chứng do gout.