I. ĐẠI CƯƠNG
Theo Y học hiện đại, bí đái là tình trạng trong bàng quang có chứa nhiều nước tiểu mà người bệnh không đi tiểu được hoặc đi tiểu với số lượng rất ít, không phải do nguyên nhân cơ giới như là cản trở đường ra của nước tiểu. Bí đái bao gồm cả nguyên nhân thực thể và cơ năng. Bí đái cơ năng thường gặp là do viêm nhiễm, phẫu thuật vùng tiểu khung, điều trị bằng phẫu thuật vùng xương chậu, khớp háng, cột sống, vùng hậu môn trực tràng… hoặc ảnh hưởng của thuốc tê, mê… gây nên. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh đau tức vùng bụng dưới, bàng quang, vùng trước xương mu, khó chịu, bứt rứt, muốn đi tiểu nhưng không thể tiểu được, căng tức vùng bàng quang, khám bụng vùng hạ vị có cầu bàng quang. Bí đái cơ năng được chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám trên lâm sàng và điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền thường có hiệu quả cao.
Theo Y học cổ truyền, bí đái cơ năng thuộc phạm vi chứng Long bế hoặc Lung bế. Lung là tiểu tiện ít, tiểu không dễ dàng. Bế là chỉ một giọt nước tiểu cũng không ra, tiểu không thông, muốn đi tiểu cũng không được. II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH BÍ ĐÁI CƠ NĂNG Theo YHHĐ:
Thành bàng quang co bóp không đủ mạnh có thể là do mất liên hệ với hệ thần kinh điều khiển tiểu tiện. Nguyên nhân gây mất liên lạc như:
- Các chấn thương cột sống, chấn thương vỡ xương chậu…
- Các phẫu thuật vùng xương chậu, khớp háng, vùng cột sống thắt lưng, vùng hậu môn trực tràng, sau mổ đẻ …
- Sử dụng một số thuốc tê, mê...
- Viêm nhiễm vùng hạ vị, đường tiết niệu…
Theo YHCT:
- Do thấp nhiệt ở trung tiêu không hóa được làm cho khí cơ của bàng quang bị trở ngại gây nên bí đái.
- Do phế nhiệt ảnh hưởng đến tuyên phát và túc giáng, qua đó ảnh hưởng đến chức năng thông điều thủy đạo, gây khó khăn nhị tiện, làm tiểu tiện không lợi, bí đái.
- Do cáu giận quá mức làm can khí uất trệ hoặc do sau mổ, sau đẻ, do ảnh hưởng của một số loại thuốc làm cho khí cơ của bàng quang bị trở ngại, tiểu tiện bất lợi, bí đái.
- Do thận khí tổn thương, tinh huyết hao tổn, mệnh môn hỏa suy làm cho khí hóa của bàng quang bất lợi, khí cơ bàng quang suy yếu gây nên bí đái. III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.
1. Thể bàng quang thấp nhiệt
* Triệu chứng: Tiểu lượng ít, nhỏ giọt, nước tiểu vàng, tiểu nóng rát, hoặc không tiểu tiện được, bụng dưới đầy, miệng đắng và khô, không muốn uống nước, đại tiện khó, rêu lưỡi vàng và nhớt, chất lưỡi đỏ. Mạch sác.
* Chẩn đoán:
- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.
- Chẩn đoán tạng phủ: Bàng quang thấp nhiệt.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Thấp nhiệt.
- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể bàng quang thấp nhiệt.
* Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp lợi thủy.
* Phương
• Điều trị bằng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: dùng bài “Bát chính tán”:
Mộc thông 12g Xa tiền tử 08g
Cù mạch 12g Biển súc 10g
Hoạt thạch 16g Chi tử 08g
Đại hoàng 06g Cam thảo 06g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Gia giảm:
Nếu tâm phiền, miệng lưỡi mọc mụn, đầu lưỡi đỏ đau gia: Hoàng liên 4g, Đạm trúc diệp 12g để thanh tâm giáng hỏa.
Nếu miệng đắng dính, rêu lưỡi vàng nhớt gia: Thương truật 8g, Hoàng bá 10g, Ý dĩ 12g để hóa thấp thanh nhiệt.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)
Mã đề, Râu ngô, Rễ cỏ tranh mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3. Sắc 2 - 3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, thông tiểu.
• Điều trị không dùng thuốc:
- Châm cứu: châm tả các huyệt:
Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3) Quy lai (ST.29)
Tam âm giao (SP.6) Huyết hải (SP.10)
Dương lăng tuyền (GB.34)
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Điện nhĩ châm: châm tả các điểm
Thần môn Tuyến nội tiết
Giao cảm Niệu đạo
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Điện mãng châm:
Trung cực xuyên Khúc cốt Quy lai xuyên Khúc cốt Trật biên (BL.54)
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Xoa bóp bấm huyệt (tả pháp):
+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng
+ Bấm huyệt: Trung cực (CV.3); Khúc cốt (CV.2); Thiên khu (ST.25); Quy lai (ST.29); Quan nguyên (CV.4); Khí hải (CV.6)
+ Day các huyệt: Đản trung (CV.17); Túc tam lý (ST36); Tam âm giao (SP.6); Thái khê (KI.3); Dương lăng tuyền (GB.34).
Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 - 20 ngày.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
2. Thể phế nhiệt
* Triệu chứng: Tiểu tiện nhỏ giọt, không dễ dàng, tia nhỏ không thông, hoặc không tiểu tiện được. Họng khô, phiền khát, thích uống nước. Thở ngắn gấp, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch sác.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.
- Chẩn đoán tạng phủ: Phế nhiệt.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương) .
- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể phế nhiệt.
* Pháp: Thanh phế, lợi thủy.
* Phương:
• Điều trị dùng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: dùng bài “Thanh phế ẩm”:
Sa sâm 16g Hoàng cầm 12g
Tang bạch bì 12g Mạch môn 12g
Bạch mao căn 12g Lô căn 12g
Chi tử 08g Mộc thông 12g
Phục linh 12g Xa tiền tử 08g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Gia giảm:
Nếu người bệnh tâm phiền, đầu lưỡi đỏ gia: Hoàng liên 4g, Đạm trúc diệp 12g. Nếu đại tiện khô kết không thông gia: Đại hoàng 4g để tả hạ thông tiện.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)
Râu mèo, Kim tiền thảo, vỏ rễ cây dâu, rau má, lá tre, vỏ bưởi mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc 2 - 3 lít nước uống. Công dụng: thanh phế, thông tiểu.
• Điều trị không dùng thuốc:
- Châm cứu: châm tả các huyệt: Khúc cốt (CV.2); Trung cực (CV.3);
Quy lai (ST.29) Hợp cốc (LI.4); Khúc trì (LI.11); Phế du (BL.13)
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Điện nhĩ châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Điện mãng châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt:
+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng
+ Bấm huyệt: Trung cực (CV.3); Khúc cốt (CV2); Phế du (B.13); Quy lai (ST.29); Quan nguyên (CV.4); Khí hải (CV.6)
+ Day huyệt: Đản trung (CV.17); Túc tam lý (ST.36); Phế du (BL.13); Tam âm giao (SP.6); Dương lăng tuyền (GB.34)
Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
3. Thể khí trệ huyết ứ
* Triệu chứng: Sau khi tình chí uất hận hoặc sau phẫu thuật, giang môn bị đau quá dẫn đến tiểu tiện đột ngột không thông hoặc thông mà không dễ dàng, bụng đầy trướng hoặc đau, dễ bị xúc động, buồn phiền, dễ cáu giận, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Mạch huyền.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.
- Chẩn đoán tạng phủ: Can, Bàng quang.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Nội nhân (cáu giận), Bất nội ngoại nhân (sau phẫu thuật).
- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể khí trệ, huyết ứ.
* Pháp điều trị: Sơ can lý khí (hoặc hành khí hoạt huyết), thông lợi tiểu tiện.
* Phương thuốc
• Điều trị dùng thuốc
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: bài “Sài hồ sơ can thang” hợp “Trầm hương giải khí tán”, giảm vị Trầm hương:
Sài hồ 12g Thanh bì 08g
Hương phụ 12g Ô dược 10g
Hoạt thạch 10g Vương bất lưu hành 10g
Đương quy 08g
Sắc uống ngày 01 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)
Râu mèo, Kim tiền thảo, rau đắng đất, rau dừa nước, vỏ cam mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc 2 - 3 lít nước uống. Công dụng: khai uất, lý khí, thông tiểu.
• Điều trị không dùng thuốc
- Châm cứu: châm tả các huyệt: Khúc cốt (CV.2); Trung cực (CV.3); Lan môn (Kỳ huyệt); Trật biên (BL.54); Bàng quang du (BL.28); Côn lôn (BL.60)
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Điện nhĩ châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Điện mãng châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt:
+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng.
+ Bấm huyệt: Trung quản (CV.12); Thiên khu (ST.25); Quy lai (ST.29); Hạ quản (CV.10); Quan nguyên (CV.4); Đại hoành (SP.15); Khí hải (CV.6).
+ Day các huyệt: Đản trung (CV.17); Túc tam lý (ST.36); Tam âm giao (SP.6) Thái khê (KI.3); Dương lăng tuyền (GB.34)
Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
4. Thể thận khí hư
* Triệu chứng: Thường gặp ở người cao tuổi, người bệnh tiểu ít, tiểu khó, kèm đau lưng mỏi gối, chân không ấm, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm nhược.
* Chẩn đoán
- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.
- Chẩn đoán tạng phủ: Thận, Bàng quang.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).
- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể thận khí hư.
* Pháp điều trị: Bổ thận khí lợi thủy.
* Phương:
• Điều trị thuốc YHCT:
+ Thuốc uống trong:
- Cổ phương: dùng bài “Tế sinh thận khí hoàn”:
Thục địa 32g Đơn bì 12g
Sơn thù 16g Phụ tử chế 06g
Bạch linh 12g Quế chi 14g
Hoài sơn 16g Ngưu tất 12g
Trạch tả 12g Xa tiền tử 12g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)
Thông bạch 30g, gừng 12g. Nếu đau lưng gia ngũ gia bì, đỗ trọng 20g. Sắc từ 2 đến 3 lít nước uống.
Công dụng: thông dương, ích khí, tán kết, lợi niệu... trị chứng bí tiểu, tiểu đục, tiểu dắt, dương khí hư chân tay lạnh.
• Điều trị không dùng thuốc của YHCT
- Châm cứu: châm bổ các huyệt:
Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3)
Quan nguyên (CV.4) Dương lăng tuyền (GB.34)
Khí hải (CV.6) Quy lai (ST.29)
Túc tam lý (ST.36) Tam âm giao (SP.6)
Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
- Điện nhĩ châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Điện mãng châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.
- Xoa bóp bấm huyệt:
+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng
+ Bấm huyệt: Quan nguyên (CV.4); Khí hải (CV.6); Thận du (BL23); Tam âm giao (SP.6); Trung cực (CV3); Khúc cốt (CV.2); Quy lai (ST.29); Huyết hải (SP.10); Túc tam lý (ST.36)
+ Day các huyệt: Đản trung (CV.17); Túc tam lý (ST.36); Tam âm giao (SP.6); Thái khê (KI.3); Dương lăng tuyền (GB.34)
Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh. IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI
Nếu châm không kết quả thì chuyển phương pháp:
+ Đặt sonde tiểu
+ Điều trị ngoại khoa mở thông bàng quang (nếu đặt sonde tiểu thất bại). V. PHÒNG BỆNH
- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, cáu giận.
- Thực hiện tốt chế độ ăn điều độ, tránh uống rượu bia nhiều.
- Tránh lao động nặng.
- Cần điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (nữ giới).
- Cần vận động cơ thể thường xuyên, đều đặn như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, bơi… để cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động, khí huyết lưu thông, bàng quang và cổ bàng quang co bóp nhịp nhàng thuận lợi cho việc đi tiểu. Những người có bệnh mạn tính về bàng quang, tiểu khung (phụ nữ) không nhịn tiểu và không nên ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu càng dễ dẫn đến bí tiểu.