I. ĐẠI CƯƠNG
Xông hơi thuốc là phương pháp dùng hơi nước thuốc tác động vào vùng trị liệu, nhằm mục đích điều hoà kinh khí, hành khí, hoạt huyết, khu tà. II.CHỈ ĐỊNH
- Cảm mạo.
- Một số bệnh lý: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm kết mạc, mày đay, dị ứng, viêm da cơ địa, tổ đỉa, trứng cá, bệnh lý cơ xương khớp, viêm phần phụ,....
- Người bệnh tăng huyết áp có chỉ định xông hơi thuốc khi đã được kiểm soát huyết áp bằng thuốc. III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Sốt do âm hư, suy kiệt.
- Phụ nữ có thai.
- Các trường hợp cấp cứu.
- Cơn tăng huyết áp. IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ, y sĩ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo về y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của luật khám bệnh chữa bệnh.
2. Trang thiết bị
Tùy trang thiết bị, dạng bào chế thuốc cổ truyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ xông hơi thuốc cổ truyền cho người bệnh.
- Thuốc xông là dược liệu, thuốc cổ truyền, tùy theo tình trạng bệnh lý của người bệnh mà thầy thuốc có chỉ định phù hợp.
- Một nồi (xoong) có nắp, nước vừa đủ để nấu nước xông.
- Máy xông thuốc cổ truyền, ...
- Ga y tế, ống chụp mặt 01 chiếc để người bệnh trùm hoặc chụp khi xông.
- Khăn khô thấm nước 02 chiếc để người bệnh lau khô người sau khi xông (kích thước: 45 x 1000 cm; 25 x 50cm).
- Quần áo sạch 01 bộ để người bệnh thay sau khi khô người tùy từng chỉ định xông bộ phận hoặc toàn thân.
- Buồng xông kín gió, buồng xông hơi chuyên dụng.
- 01 panh.
- 01 túi đựng thuốc xông.
- Hộp chống Shock; thuốc bù nước, điện giải, …
- Nước muối sinh lý 0,9%, bông, gạc.
- Thanh gỗ dài khoảng 40cm x 3cm x 1,5 cm để khuấy nồi nước xông.
- Thuốc trị bỏng (panthenol, ...).
3. Thầy thuốc, người bệnh
- Thầy thuốc: khám, làm bệnh án, kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ theo quy định, hướng dẫn quy trình xông thuốc để người bệnh yên tâm hợp tác.
- Người bệnh: tuân thủ tuyệt đối thời gian và cách thức điều trị. V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Thủ thuật
1.1. Xông hơi thuốc toàn thân
a. Xông hơi bằng nồi thuốc xông
- Cho thuốc xông vào nồi đổ nước ngập thuốc khoảng 2cm, đậy vung kín.
- Đun sôi thuốc trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút.
- Đặt nồi nước xông vào vị trí xông trong buồng xông.
- Để khăn khô và quần áo sạch bên cạnh người bệnh.
- Người bệnh mặc quần áo lót, ngồi trước nồi xông, sử dụng ga y tế trùm kín toàn thân.
- Mở nắp vung cho hơi thuốc bốc ra từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể.
- Vừa hít thở sâu hơi nước thuốc, vừa dùng dụng cụ khuấy nồi thuốc xông cho hơi thuốc bốc lên.
- Ngồi xông cho đến khi thấy mồ hôi ở đầu, mặt, cổ, ngực, lưng toát ra thì dừng xông, thời gian khoảng 15 - 20 phút.
- Lấy khăn khô lau khô toàn thân.
- Thay quần áo khô sạch.
b. Xông hơi bằng buồng xông hơi
- Cho thuốc cổ truyền vào máy xông hơi, đặt chế độ thích hợp.
- Để khăn khô và quần áo sạch của người bệnh cạnh buồng xông.
- Người bệnh mặc quần áo lót, ngồi trong buồng xông hơi.
- Thời gian xông khoảng 15 - 20 phút.
- Cởi bỏ quần áo ướt.
- Lấy khăn khô lau toàn thân.
- Mặc quần áo khô sạch.
- Chú ý giữ ấm, tránh gió lạnh đột ngột.
1.2. Xông hơi thuốc cục bộ
a. Xông hơi bằng nồi thuốc xông
- Để khăn khô và quần áo sạch bên cạnh người bệnh.
- Người bệnh bộc lộ vùng trị liệu trước nồi xông, sử dụng ga y tế trùm kín vùng trị liệu.
- Hướng dẫn người bệnh tự điều chỉnh khoảng cách từ nồi xông tới vị trí tổn thương cho phù hợp với sức chịu đựng của cơ thể.
- Xông cho đến khi thấy mồ hôi ở vùng trị liệu hoặc xông khoảng 15 - 20 phút thì dừng xông.
- Lấy khăn khô lau vùng vừa xông.
- Hướng dẫn người bệnh ngồi nghỉ 10 - 15 phút trước khi đi ra ngoài, chú ý giữ ấm, tránh gió lạnh đột ngột.
- Thu dọn dụng cụ rửa nồi xông.
b. Xông hơi bằng máy xông hơi
- Cho thuốc xông vào máy xông hơi, đặt chế độ thích hợp.
- Mở nắp máy xông, cho túi thuốc xông và nước nóng vừa đủ (1,5 - 2 lít) vào trong máy, đậy chặt nắp máy xông.
- Người bệnh bộc lộ vùng trị liệu ngồi hoặc nằm phụ thuộc vào vị trí cần xông hơi thuốc
- Điều chỉnh khoảng cách xông phù hợp, hướng hơi thuốc vào vùng trị liệu từ từ vừa với sức chịu đựng của cơ thể người bệnh.
- Xông cho đến khi thấy mồ hôi ở vùng trị liệu hoặc xông khoảng 15 - 20 phút thì tắt máy xông.
- Lấy khăn khô lau vùng vừa xông.
- Hướng dẫn người bệnh ngồi nghỉ 10 - 15 phút trước khi đi ra ngoài, chú ý giữ ấm, tránh gió lạnh đột ngột.
- Thu dọn dụng cụ rửa máy xông.
2. Liệu trình điều trị
Tuỳ theo tình trạng bệnh lý, thầy thuốc có thể chỉ định xông 1 - 2 lần/ngày, 01 liệu trình xông từ 3 - 5 ngày, có thể thực hiện nhiều liệu trình liên tục. VI. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
1. Theo dõi
- Toàn trạng người bệnh, mạch, nhiệt độ, huyết áp,…
2. Xử trí tai biến
- Hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi: nghỉ ngơi, bù nước điện giải.
- Shock: xử trí theo phác đồ chống shock.
- Bỏng: xử trí theo phác đồ.