Mai hoa châm là phương pháp dùng kim hoa mai (5 – 7 chiếc kim nhỏ cắm vào đầu một cán gỗ) gõ trên mặt da, nhằm mục đích chữa bệnh hoặc phòng bệnh. Đây là một hình thức phát triển của châm cứu.
1.CHỈ ĐỊNH
Nói chung là gõ kim hoa mai có thể dùng để chữa trị các bệnh như hào châm vẫn thường làm. Phương pháp này tỏ ra thích hợp nhất đối với các loại bệnh: suy nhược thần kinh, đau đầu mất ngủ, đau dây thần kinh liên sườn, liệt dây thần kinh VII, cơn đau dạ dày tá tràng, tiêu hoá kém, đau bụng kinh, đái dầm, sa trực tràng, sạm da, mẩn ngứa ngoài da...
2.CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Những trường hợp sau đây không được gõ kim hoa mai: vừa ăn no, say quá, đói quá, đang vã mồ hôi, phụ nữ có thai, bệnh ngoài da bị viêm loét chảy nước vàng, chảy mủ.
3.CHUẨN BỊ
Người thực hiện: Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3.2.Phương tiện
Kim hoa mai: ngày nay người ta thường dùng 2 loại kim là
+ Kim chụm.
+ Kim xoè hình gương sen.
Bông cồn sát trùng.
3.3.Người bệnh
Người bệnh được khám và làm hồ sơ bệnh án theo qui định.
Tư thế người bệnh nằm ngửa, nằm sấp hoặc ngồi.
4.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Phác đồ huyệt
Mai hoa châm không sử dụng phác đồ huyệt như thể châm mà điều trị theo vùng, khu điều trị trên cơ thể. Ngoài cách phân chia mặt da làm 12 khu theo kinh điển, người ta còn quy ước một sự phân chia khác để tiến hành điều trị, theo đó cơ thể được chia ra các vùng:
Vùng đầu mặt gồm: khu trán, khu trước đỉnh đầu và hai bên đầu, khu đỉnh đầu, khu đầu sau, khu mắt, khu mũi, khu môi, khu gò má, khu tai và khu thái dương.
Vùng cổ gồm: khu sau gáy, khu trước cổ, khu cơ ức đòn chũm.
Vùng chi trên gồm: khu trong cánh tay, khu trong khuỷu tay, khu trong cẳng tay, khu trong cổ tay, khu gan bàn tay, khu ngoài cánh tay và khu ngoài cẳng tay, khu mu bàn tay và khu ngón tay.
Vùng chi dưới gồm: khu trước đùi, khi trước cẳng chân, khu sau đùi và vùng khoeo chân, khu sau cẳng chân, khu mé trong đùi và cẳng chân, khu mé ngoài đùi và cẳng chân, khu trước cổ chân và mu chân, khu gan bàn chân, khu xương bánh chè, khu mắt cá trong và mắt cá ngoài.
Vùng ngực gồm: khu xương ức, khu lồng ngực.
Vùng bụng gồm: khu bụng trên, khu bụng dưới, khu nếp bẹn.
Vùng lưng gồm: khu lưng trên, khu lưng giữa, khu lưng dưới, khu xương bả vai, khu cơ thang và trên vai.
5.2-Thủ thuật
Cách cầm kim hoa mai: ngón tay cái và ngón giữa cầm chặt 1/3 cán kim, ngón nhẫn và ngón út đỡ thân cán vào lòng bàn tay, ngón trỏ đặt lên cán kim. Lúc gõ chủ yếu là cử động nhịp nhàng cổ tay, trực tiếp bổ kim tiếp xúc thẳng góc với mặt da.
Thủ thuật gõ kim hoa mai: có 3 cách gõ là gõ nhẹ, ngõ vừa và gõ mạnh.
+ Gõ nhẹ: gõ rất nhẹ nhàng trên mặt da, hoàn toàn không đau. Người bệnh cảm thấy thoái mái, dễ chịu, thủ thuật này có tác dụng tư bổ, tăng sức khoẻ cho Người bệnh, thường dùng cho chứng hư hàn.
+ Gõ vừa: sức không nhẹ, không mạnh, có tác dụng bình bổ bình tả, thường dùng trong các chứng bán biểu bán lý, không hư không thực.
+ Gõ mạnh: gõ mạnh sức hơn, sức bật của cổ tay khoẻ hơn, tuy nhiên Người bệnh vẫn đủ sức chịu đựng, thủ thuật này có tác dụng tả, áp dụng với các chứng thực nhiệt.
Trình tự gõ kim hoa mai: cần gõ theo một thứ tự nhất định, trước hết gõ vùng thường quy rồi gõ khu trọng điểm sau đó gõ khu kết hợp.
Trường hợp trong công thức điều trị không có thường quy mà chỉ có khu trọng điểm và khu kết hợp thì gõ khu trọng điểm trước, khu kết hợp sau. Nếu gõ theo vùng thì gõ vùng đầu, vùng lưng trước, gõ vùng ngực,bụng, chân sau. Gõ vùng đầu thì gõ khu trán trước, rồi gõ khu thái dương, khu đỉnh đầu và cuối cùng là khu chẩm.
Thời gian: 20- 30 phút cho một lần gõ mai hoa châm
5.4. Liệu trình điều trị
Gõ kim mai hoa ngày một lần.
Một liệu trình điều trị từ 10 - 20 lần.
5.THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi: Toàn trạng Người bệnh.
5.2.Xử trí tai biến
Vựng châm: Người bệnh hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Xử lý: lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Đặt Người bệnh nằm sấp, gõ nhẹ ỏ khu thắt lưng mỗi đường gõ 10 lần theo hướng ngược từ dưới lên trên. Theo dõi sát mạch, huyết áp.
Nổi những nốt đỏ trên da: do da người bệnh quá bẩn, lúc gõ lại không sát trùng bằng cồn. Xử lý: tạm nghỉ điều trị vài ba ngày, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, xoa cồn vào vùng nổi mẩn.