Quy trình kỹ thuật Điều trị bằng ngâm thuốc và xông hơi
Quy trình kỹ thuật Điều trị bằng ngâm thuốc và xông hơi
5. ĐIỀU TRỊ BẰNG NGÂM THUỐC VÀ XÔNG HƠI
I/ ĐẠI CƯƠNG
Ngâm thuốc và xông hơi là hai phương pháp nằm trong phép chữa ngoài của đông y, thường dùng các thuốc có tinh dầu tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông kinh lạc,…tác động lên bộ phận phía ngoài cơ thể như da, niêm mạc, gân cơ để chữa bệnh.
Từ xa xưa nhiều sử sách đông y việt nam đã ghi nhận việc sử dụng nước để giữ gìn, nâng cao sức khoẻ và chữa bệnh như: Ngâm mình trong suối nước khoáng ấm để giảm đau khớp, nhức mỏi cơ thể, chữa mất ngủ, điều trị các bệnh ngoài da. Đun nóng hòn đá rồi cho vào nồi nước có sẵn một số cây lá thuốc để tạo hơi thuốc xông chữa cảm, cúm, đau nhức xương khớp. Nhiều bài thuốc, cây thuốc đã được nhân dân ta sử dụng để đắp, rửa bôi, tắm ngâm, xông, hun,…chữa các bệnh ngoài da, trĩ, cơ xương khớp, thần kinh,…có tác dụng tốt như: Nhị diệu tán, Khô trĩ tán, Khởi trĩ thang, Thanh đại tán, Hoả độc tán, Khổ sâm thang,…
Theo dược điển Việt nam III nhiều vị thuốc dùng ngoài đã được ghi nhận như: Mã tiền, Huyết giác, Ô đầu, Long não, Đại hồi, Địa liền, Đinh hương, Quế, Gừng hay Riềng ấm, Thiên niên kiện, Huyết giác, Thương truật,..
Y học phương tây từ nhiều thế kỷ đã áp dụng tính chất cơ học và nhiệt học của nước tác động lên mặt ngoài cơ thể để trị liệu, đó là phương pháp Thuỷ trị liệu (Hydrotherapy) bao gồm nhiều kỹ thuật đa dạng tác động toàn thân hay cục bộ như: đắp, ngâm, xông hơi, tia nước trị liệu, khí dung,…
Theo y học hiện đại khi cơ thể được ngâm, xông nước nóng thì xảy ra các tác dụng sau:
+ Mồ hôi tiết ra nhiều, tăng cường sự bài tiết nước tiểu do giãn mạch ngoại vi.
+ Nhịp tim tăng lên thông qua sự kích thích các cơ quan thụ cảm ở da làm tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
+ Huyết áp giảm, nhịp thở tăng lên.
+ Giảm hưng phấn của hệ thần kinh.
Ngâm thuốc và xông hơi có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, chống stress và điều hoà cơ thể. Đặc biệt ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp.
II/ CHỈ ĐỊNH:
1/ Chỉ định chung trong ngâm thuốc:
1.1. Ngâm thuốc toàn thân:
- Viêm khớp và viêm đa khớp dạng thấp mãn.
- Đau và viêm dây thần kinh mãn.
- Đau lưng, đau dây thần kinh toạ cấp, mãn.
- Đau do co thắt cơ quan tiêu hoá và tiết niệu, sinh dục.
- Sẹo co kéo, mỏm cụt đau.
- Chống stress, an thần, điều trị mất ngủ.
- Giảm béo, giải độc.
1.2. Ngâm thuốc cục bộ:
- Bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.
- Chấn thương chi giai đoạn cấp, mãn, sẹo co cứng.
- Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm,…
2/ Chỉ định trong tắm hơi:
2.1. Xông hơi toàn thân:
- Cảm mạo, đau nhức mỏi toàn thân.
- Viêm da dị ứng, trứng cá, chàm,..
- Thấp khớp, đau cứng khớp.
- Đau các dây thần kinh ngoại biên.
2.2. Xông hơi cục bộ:
- Đau cứng khớp mãn tính, đau lưng, đau cổ gáy do co cứng cơ,…
- Đau dây thần kinh, tê bì, giảm dinh dưỡng vùng chi,…
- Chấn thương lâu ngày gây co cứng gây co cứng gân cơ, sẹo co kéo,…
- Một số bệnh ngoài da: Chàm, viêm da dị ứng, nấm, trứng cá,…
- Chăm sóc da, chống lão hoá,…
Mỗi một chỉ định cụ thể có được phải tuỳ theo từng phương pháp, nhiệt độ, tính chất của dược liệu được áp dụng để có các chỉ định thật cụ thể.
III/ CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
1/ Chống chỉ định tuyệt đối:
- Viêm cấp và các chấn thương cấp tính.
- Vết thương nhiễm khuẩn, vết thương hở.
- Tắc động mạch hay tĩnh mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Các khối u ác tính, lao tiến triển.
- Bệnh nhân say rượu, tâm thần.
2/ Chống chỉ định tương đối:
- Các trường hợp giảm cảm giác nóng lạnh.
- Trẻ em, bệnh nhân tâm thần.
- Các bệnh tim mạch, hô hấp, thận (không điều trị toàn thân).
IV/ CHUẨN BỊ:
1/ Cán bộ y tế:
- Cơ cấu tổ chức: (1-2-2) 1 Bác sỹ, 2 kỹ thuật viên, 2 điều dưỡng viên cho 1 cơ sởcó 2 đến 4 phòng xông khô, ướt, 2 đến 4 bồn ngâm thuốc
- Cán bộ y tế phải được học chuyên sâu về thuỷ trị liệu nói chung và tắm ngâm- xông thuốc nói riêng.
2/ Người bệnh:
- Bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán đúng bệnh có chỉ định điều trị bằng tắm xông thuốc.
- Bệnh nhân trước 1 đợt điều trị phải được kiểm tra mạch, huyết áp, cân nặng. Được hướng dẫn hiểu cách điều trị.
- Trước khi điều trị bệnh nhân phải được tắm rửa sạch sẽ, tuân thủ tuyệt đối thời gian và cách thức điều trị.
3/ Phương tiện:
- Hệ thống nồi hơi với đường dẫn hơi đạt tiêu chuẩn an toàn y tế.
- Phòng xông hơi toàn thân đảm bảo kín, có cửa bằng kính mờ, ốp gỗ hoặc đá.Trang bị nội thất có ghế dài để bệnh nhân có thể ngồi, nằm. Có hệ thống còi đèn báo động, đồng hồ và đo nhiệt độ phòng.
- Hệ thống xông hơi cục bộ đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ y tế.
- Bồn ngâm thuốc toàn thân từ 150 đến 300 lít, cục bộ từ 1 đến 50 lít theo tiêu chuẩn quy định của Bộ y tế, có hệ thống dây đai giữ, đồng hồ báo giờ và chuông báo động.
- Hệ thống giường nghỉ, khăn, áo tắm, đồ dùng vệ sinh cá nhân cho mỗi lần điều trị.
4/ Hồ sơ bệnh án: (Hồ sơ bệnh án được trình bày ở phần phụ lục).
V/ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
- Chuẩn bị phòng, bồn ngâm (trước khi bệnh nhân vào):
+ Nhiệt độ phòng xông hơi từ 40 đến 650C tuỳ bệnh nhân. Thuốc dùng để xông phải thích hợp cho từng loại bệnh.
+ Nhiệt độ bồn ngâm từ 25- 390C tuỳ từng thể trạng bệnh nhân và chỉ định điều trị. Thuốc phải được sắc trước và hoà tan đều với nước trước khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Chuẩn bị cho bệnh nhân: Bệnh nhân phải được tắm rửa sạch sẽ và bộc lộ phần cần được điều trị bằng ngâm thuốc, xông thuốc.
- Kỹ thuật viên hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ bệnh nhân bắt đầu quy trình điều trị với nhiệt độ, thuốc, thời gian điều trị thích hợp.
- Sau ngâm, xông toàn thân bệnh nhân phải được nghỉ ngơi, thư giãn và chuẩn bị cho quá trình điều trị tiếp theo.
VI/ TAI BIẾN VÀ CÁC CÁCH XỬ TRÍ:
- Bỏng do nước quá nóng: Cần phải đo nhiệt độ trước khi điều trị cho bệnh nhân.
- Kiệt sức do ngâm nước quá lâu,có thể bị truỵ tim mạch do giãn mạch quá mức và tăng tiết mồ hôi. Khi ngâm tắm xông xong bệnh nhân phải được nằm nghỉ trong vòng 15 đến 20 phút trước khi ra về.
- Dị ứng với thuốc ngâm- Bệnh nhân phải được khám kỹ và kiểm tra trước thuốc sẽ dùng cho cả đợt điều trị.