Một số kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đường hô hấp khi chuyển giao thời tiết trong mùa Covid
Thời điểm giao mùa, nhiệt độ thời tiết thay đổi thất thường cũng là điều kiện để bệnh đường hô hấp trên phát triển, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Thêm vào đó, dịch bệnh vi rút Corona ( Covid - 19) hiện nay đang bùng phát toàn cầu càng làm cho nhân dân thêm lo lắng. Trước tình hình trên, với kinh nghiệm là bác sĩ y học cổ truyền, tôi xin đưa ra một số lời khuyên để nhân dân cùng tham khảo.
Theo một số nghiên cứu khoa học đã được chứng minh thì các bệnh đường hô hấp trên phần lớn (60% - 70%) là do vi rút gây ra, vì vậy trong thời gian đầu khi không có bội nhiễm có thể điều trị tại nhà và không cần phải dùng kháng sinh, đồng thời thực hiện một số biện pháp sau:
- Vệ sinh nhà cửa và môi trường sinh sống thông thoáng, sạch sẽ; có thể xông phòng bằng khói bồ kết để khử tà khí, uế khí.
- Không khạc nhổ bừa bãi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm.
- Giữ ấm cơ thể, uống đủ nước, bổ sung vitamin, nhất là vi tamin C bằng các loại nước trái cây như cam, chanh, ổi, ...
- Hạn chế đến nơi đông người, nếu không tránh được thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
- Làm giảm các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên bằng các thuốc y học cổ truyền theo kinh nghiệm hàng ngàn năm vẫn dùng. Ví dụ như: Dùng một trong các loại lá, hoa, quả sau: lá hẹ, lá húng chanh, hoa hồng bạch, hoa đu đủ đực, quả quất, quả chanh thái miếng để nguyên cả vỏ hấp mật ong hoặc đường phèn.
Và đặc biệt hơn nữa, tại Viện Y Dược cổ truyền Hưng Yên có rất nhiều các bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên rất hiệu quả, trong đó nổi bật lên là bài Sâm tô tán, Ma hạnh thạch cam thang đã được bào chế thành dạng thuốc bột và siro, rất tiện dụng cho người dùng.
Siro ho Ma Hạnh - một chế phẩm trị ho hiệu quả của bệnh viện YDCT tỉnh Hưng Yên
Vậy khi nào cần phải đến viện và dùng thuốc kháng sinh để điều trị? Đó là khi bị bội nhiễm mắc thêm một số vi khuẩn khác và các triệu chứng của bệnh ngày một nặng, khó thở nhiều hơn, ho khạc đờm nhiều (thay đổi màu sắc, tính chất đờm từ trắng sang trắng đục, vàng hoặc xanh). Kèm theo đó là các triệu chứng như: sốt cao trên 38,50C, đau ngực, rối loạn ý thức, nôn nhiều không ăn uống được ở người lớn và trẻ trên 5 tuổi.
Đối với trẻ nhỏ, có một trong các dấu hiệu sau thì nên đến bệnh viện:
- Bệnh nặng hơn, sốt cao co giật, bỏ bú hoặc bú kém, nôn nhiều, ăn uống kém.
- Ngủ li bì khó đánh thức.
- Thở rên, thở rít khi nằm yên.
- Rút lõm lồng ngực.
- Thở nhanh:
Nếu trẻ
Thở nhanh là
Từ 1 tuần đến 2 tháng
≥ 60 nhịp thở trong 1 phút
Từ 2 tháng đến 12 tháng
≥ 50 nhịp thở trong 1 phút
Từ 12 tháng đến 5 tuổi
≥ 40 nhịp thở trong 1 phú
Trên đây là một số gợi ý, hướng dẫn để nhân dân tham khảo, vận dụng nhằm nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh đường hô hấp trên trong mùa dịch và thời tiết thay đổi.
Chế dinh dưỡng hợp lý trong THA sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim, giảm giữ muối, cân bằng kali có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp và giảm sử dụng thuốc.