TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA LIPID
1. Định nghĩa: Rối loạn chuyển hóa lipid là tình trạng gia tăng cholesterol máu có kèm theo hay không có kèm theo gia tăng triglycerid hay thấp HDL góp phần vào tình trạng xơ vữa động mạch.
2. Nguyên nhân:
Rối loạn lipid nguyên phát:
Đột biến đơn gen hay đa gen, rối loạn này thường gặp ở trẻ em.
Đột biến gen mã hóa receptor LDL trên NST 19 dẫn đến tổng hợp quá mức cholesterol, gây tăng cholesterol đơn thuần độ IIa (Fredrickason).
Thể đa gen: do khuyết tật receptor LDL gồm hình thái đồng hợp tử và dị hợp tử.
Rối loạn lipid thứ phát:
Đái tháo đường, hội chứng thận hư, suy giáp, bệnh lý gan do tắc nghẽn, béo phì, nghiện rượu, mãn kinh do thuốc như corticoide, estrogen...Do chế độ ăn uống như: ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn quá nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, trứng, bơ...
3. Triệu chứng:
Phần lớn triệu chứng lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như: vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối, rối loạn lipid máu có thể gây viêm tụy cấp. Xét nghiệm lipid máu quan trọng với người trung niên cao tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Có thể phát hiện sớm rối loạn lipid máu bằng cách xét nghiệm bilan lipid máu, bình thường bao gồm:
Cholesterol: 3,9-5,2 mmol/l;
Triglycerid: 0,46-1,88 mmol/l;
HDL cholesterol: ≥ 0.9 mmol/l;
LDL cholesterol: < 3,4 mmol/l;
Những người sau độ tuổi 25 nên đi kiểm tra rối loạn mỡ máu 1 năm/ 1 lần để phát hiện sớm và có hướng điều chỉnh kịp thời. Với những người có nguy cơ cao hoặc trên 40 tuổi nên kiểm tra định kỳ 6 tháng/ 1 lần.
4. Điều trị:
Y học hiện đại:
Tùy vào lâm sàng và cận lâm sàng mà có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng nguyên tắc chung là vẫn phải kết hợp giữa tập luyện vận động thể lực, chế độ ăn uống và thuốc điều trị.
Y học cổ truyền:
Rối loạn chuyển hóa Lipid theo y học cổ truyền có 1 số tên gọi: Chứng đàm, đàm thấp, đàm ẩm... Và được chia theo các thể bệnh cụ thể sau:
Đàm thấp nội trở:
Triệu chứng: Hình thể béo phệ, hay ăn các chất bổ, ngọt, béo; đầu nặng căng chướng; bụng ngực bĩ tức, buồn nôn hoặc nôn khan, miệng khô không khát, tứ chi gầy gò, chi thể nặng nề ma mộc (tê mỏi), bụng chướng, rêu lưỡi nhuận nhờn; mạch huyền hoạt.
Pháp điều trị: kiện tỳ hóa đàm trừ thấp.
Thuốc: “nhị trần thang” gia vị.
Châm cứu: nội quan, phong long, trung quản, giải khê.
Đàm nhiệt phủ thực:
Triệu chứng: Hình thể tráng thực, đại tiện bí kết, ngực tâm phúc chướng, đầu căng chướng, thường cảm thấy đau giật, tính tình cáu gắt, miệng đắng tâm phiền, mặt hồng, mắt đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, chất lưỡi hồng, mạch huyền hoạt có lực.
Pháp điều trị: thanh nhiệt, hóa đàm , thông phủ.
Thuốc: Hợp phương “tiểu hãm hung thang” và “tăng dịch thừa khí thang” gia vị.
Châm cứu: Phế du, xích trạch, phong long, đại trường du, hợp cốc, khúc trì.
Tỳ thận dương hư:
Triệu chứng: Lưng gối mỏi mệt, chi lạnh sợ hàn, tinh thần bất thư, mặt phù chi nặng, tứ chi thiểu lực, đại tiện lỏng nát, đái đêm nhiều, lưỡi bệu nhợt, rìa lưỡi có hằn răng, rêu lưỡi trắng dày, mạch trầm trì.
Pháp điều trị: Ôn tỳ bổ thận.
Thuốc: “phụ tử lý trung thang” gia giảm.
Châm cứu: tỳ du, trung quản, chương môn, thần khuyết, túc tam lý, mệnh môn, quan nguyên.
Can thận âm hư:
Triệu chứng: Lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, hình gầy, hay mệt, đầu choáng tai ù, tư hãn, miệng khô, họng ráo, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.
Pháp điều trị: tư dưỡng can thận.
Thuốc: “kỷ cúc địa hoàng hoàn” gia vị.
Châm cứu: can du, thận du, huyền chung, dương lăng tuyền.
Đàm ứ giao trở
Triệu chứng: Tâm hung trung đông thống hữu hình thể béo, chi thể trầm nặng, tê mỏi; chất lưỡi tía xám hoặc có điểm ứ, ban ứ, rêu nhờn; mạch huyền hoạt hoặc mạch sáp.
Pháp điều trị: kiện tỳ hóa đàm - hoạt huyết khư ứ.
Thuốc: “qua lâu giới bạch bán hạ thang” hợp phương “đào hồng tứ vật thang” gia vị.
Châm cứu: trung quản, phong long, huyết hải, hành gian.
Can uất tỳ hư:
Triệu chứng: Đau 2 mạng sườn, đau không cố định, mệt mỏi, ăn kém, tinh thần bất định, đại tiện lỏng nát, kinh nguyệt không đều, quanh vú chướng đau, rêu lưỡi mỏng nhờn, mạch huyền.
Pháp điều trị: sơ can giải uất- kiện tỳ dưỡng huyết.
Thuốc: “tiêu giao tán” gia vị.
Châm cứu: can du, tỳ du, chương môn, trung quản, thiên khu, túc tam lý.
Đau thần kinh tọa là một hội chứng đau rễ thắt lưng L5 và rễ cùng S1 lan theo hướng đi của dây thần kinh hông, được mô tả trong phạm vi chứng tý của YHCT và có bệnh danh là: Yêu cước thống, tọa cốt phong.
Chế dinh dưỡng hợp lý trong THA sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim, giảm giữ muối, cân bằng kali có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp và giảm sử dụng thuốc.