Khi mùa xuân đến người cao tuổi cần chú ý đến vấn đề ăn uống nhất là bia rượu, chất béo, chất ngọt, vấn đề dị ứng phấn hoa, côn trùng.
Sau những ngày mùa đông lạnh lẽo, mùa xuân mang đến cho ta không khí mát mẻ làm cho sức khỏe con người cũng tốt hơn, tuy nhiên cũng nhiều bệnh tật đi kèm.
Bệnh đường tiêu hóa: Mùa xuân là mùa của lễ hội nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo dễ gây ngộ độc thực phẩm như nôn mửa, tiêu chảy đau bụng đi cầu nhiều lần, nếu không chữa trị kịp thời dễ bị mất nước, rối loạn điện giải. Mặt khác, ăn nhiều thịt mỡ, bia rượu nên những bệnh mạn tính như viêm dạ dày, viêm đại tràng sẽ tái phát, nặng hơn có thể viêm tụy cấp biểu hiện là người bệnh đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, đôi lúc có xuất huyết đường tiêu hóa như nôn ra máu đi cầu phân đen.
Bệnh đường hô hấp: Mùa xuân có nhiều phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi tạo điều kiện thuận lợi cho những người có cơ địa dị ứng sau khi tiếp xúc với dị nguyên dễ phát sinh ra bệnh tật như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thời tiết xuân còn lạnh nên dễ bị viêm phổi. Người bệnh có biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, đôi lúc cơn hen sẽ tăng lên như khó thở tăng dần dùng các thuốc hít khí dung, thuốc uống dãn phế quản bệnh vẫn không giảm nhất là người bị hen. Còn đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì cơn ho và khạc đàm tăng nhiều về số lượng, khó thở nhiều về sáng sớm đôi lúc có sốt hoặc bệnh nhân bị sốt rồi ho, khó thở, tức ngực tăng dần.
Bệnh về tim mạch: Trong dịp xuân uống nhiều bia rượu, ăn chất đạm, mỡ nhiều nên những người bị huyết áp cao dễ bị tăng huyết áp dùng thuốc không kiểm soát được, có những cơn đau thắt ngực do co thắt mạch vành, uống thuốc dãn vành thông thường không giảm, cơn kéo dài gây nên hội chứng vành cấp nhồi máu cơ tim, hoặc huyết áp tăng có thể gây nhồi máu não liệt nửa người, nói khó, nặng hơn gây xuất huyết não có thể tử vong.
Bệnh về đái đường: Do chúng ta ăn nhiều chất ngọt, đôi lúc có thể quên dùng thuốc uống hoặc tiêm nên đường huyết không kiểm soát được dễ bị các biến chứng về đái đường cấp như hôn mê tăng thẩm thấu, hôn mê nhiễm ceton biểu hiện như bệnh nhân đái nhiều, mất nước hoặc thở mùi rất khai và người bệnh dễ đi vào hôn mê.
Bệnh về khớp: Nhất là bệnh gút do trong mùa xuân ăn có cảm giác ngon hơn, ăn nhiều chất đạm và uống bia rượu nên lượng acid uric máu tăng cao gây nên viêm khớp do gút biểu hiện đặc trưng khớp ngón cái sưng đau nhức đi lại hạn chế.
Bệnh về thoái hóa khớp cũng tăng lên vì mùa xuân vẫn còn lạnh nhất là có những đợt gió mùa đông bắc về làm bệnh nhân đau các khớp nhất là sáng ngủ dậy, biểu hiện cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động đôi lúc có sưng đau khớp gối, khuỷu, háng.
Chăm sóc người lớn tuổi để phòng bệnh là một việc vô cùng quan trọng. Trước tiên chú ý vấn đề tim mạch, thực phẩm có lợi là thực phẩm giàu chất xơ, tránh táo bón cũng góp phần hạ huyết áp, các loại hoa quả ở mùa xuân có nhiều kali có lợi cho tim mạch như chuối, cam, giảm muối góp phần phòng bệnh. Sáng sớm hạn chế ra ngoài nhà sớm vì thay đổi đột ngột nhiệt độ dễ gây tai biến. Thuốc uống đều đặn đúng giờ theo chỉ dẫn, đo theo dõi huyết áp hằng ngày, nếu dùng thuốc mà không hạ không được tự ý tăng liều mà phải khám bác sĩ chuyên khoa.
Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cũng nên cho uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, tập vật lý trị liệu, nhất là chú ý các điểm tì đè dễ gây loét. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, tiểu khó nên đi khám bệnh chuyên khoa chứ không tự ý uống thuốc.
Đối với bệnh nhân đái đường cũng nên kiểm tra đường máu ít nhất 1 tuần 1 lần vì mùa xuân chúng ta có cảm giác ăn ngon và nhiều trái cây nên đường máu dễ bị tăng. Người nhà không tự ý tăng liều thuốc uống cũng như thuốc tiêm vì sẽ dễ gây hạ đường huyết…
Chế dinh dưỡng hợp lý trong THA sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim, giảm giữ muối, cân bằng kali có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp và giảm sử dụng thuốc.